Sử dụng chiết xuất lá cúc mui trong chế độ ăn uống sẽ kích thích sức đề kháng của cá rô phi đối với lây nhiễm của ký sinh trùng sán lá đơn chủ.
Mang cá bị tổn thương do ký sinh trùng.
Ký sinh trùng là một trong những tác nhân gây bệnh truyền nhiễm ở động vật thủy sản, đặc biệt là sán lá đơn chủ 16 móc Dactylogyrus và sán lá 18 móc Gyrodactylus thường ký sinh phổ biến và gây bệnh trên cá. Sán lá đơn chủ là loài ngoại ký sinh ( trên da, mang,…) của cơ thể vật chủ và không qua vật chủ trung gian, do đó có thể nhân lên nhanh chóng trong môi trường nuôi trồng thủy sản mật độ cao. Cá bị sán lá đơn chủ ký sinh (Dactylogyrus vastator) thường có các dấu hiệu bệnh lý như nổi đầu và tập trung nơi có dòng chảy. Khi sán lá đơn chủ ký sinh quá nhiều, chúng sẽ tấn công mang cá gây ra các rối loạn nghiêm trọng bao gồm mang bị viêm, xuất huyết, tiết nhiều chất nhầy và hô hấp nhanh cuối cùng dẫn đến chết, nghiêm trọng nhất đối với cá hương và cá giống.
Nhiễm sán lá thường được điều trị bằng cách sử dụng nhiều phương pháp trị liệu hóa học gây độc cho cá, môi trường và người tiêu dùng. Nhiều trong số các sản phẩm đã bị cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản ở nhiều nước. Gần đây, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng các chất chiết xuất từ thực vật hoặc các hợp chất có nguồn gốc từ thực vật có tác dụng lên hoạt động của ký sinh trùng.
Tridax procumbens – Cúc mui là một loài rất hứa hẹn chứa nhiều các hợp chất có hoạt tính sinh học bao gồm alkaloid, flavonoid, tannin, terpenoid cho thấy các đặc tính chống thiếu máu, chống rối loạn tiêu hóa, chống tiểu đường, kháng khuẩn và gây mê cũng như các hoạt động chống oxy hóa. Cúc mui cũng được sử dụng như một chất kháng khuẩn, kháng nấm và kháng vi rút nhưng việc sử dụng trong việc điều trị và kiểm soát ký sinh trùng trên cá vẫn chưa đầy đủ thông tin. Vì thế, nghiên cứu hiện tại đã được thực hiện để điều tra ảnh hưởng của chế độ bổ sung chiết xuất lá T. procumbens (TPLE) lên tăng trưởng, khả năng chống oxy hóa, hệ thống miễn dịch và đề kháng của cá rô phi O. niloticus đối với lây nhiễm ký sinh trùng.
Cây cúc mui (Tridax procumbens)
Trong đó, cỏ mui được bổ sung với nồng độ lần lượt 2, 4 hoặc 6 g/kg thức ăn và nhóm đối chứng ( không bổ sung ). Các chế độ ăn được điều chỉnh lại mỗi hai tuần một lần để ngăn ngừa sự mất chất dinh dưỡng. Cá rô phi sau khi nuôi thích nghi trong vòng 2 tuần được tiến hành phân bổ hoàn toàn ngẫu nhiên với mật độ 15 cá/ bể ( tổng 12 bể - 100L) trong 8 tuần. Thu mẫu để kiểm tra khả năng chống oxy hóa thông qua các chỉ tiêu (SOD) , catalase (CAT) , glutathione peroxidase (GPx) và malondialdehyde (MDA - stress oxy hóa). Hệ thống miễn dịch bẩm sinh đồng thời hình thái ruột cũng được quan sát. Tiếp đó, cá được phân bố lại theo mật độ 10 con/ bể để tiến hành thí nghiệm cảm nhiễm phương pháp ngâm ngâm với sán lá đơn chủ mật độ 40 con/L. Dấu hiệu lâm sàng và tỷ lệ tử vong được ghi nhận trong suốt 14 ngày.
Người ta nhận thấy rằng trong chế độ ăn bổ sung cỏ mui đã tăng cường hiệu suất tăng trưởng của cá rô phi. Hơn nữa, lượng thức ăn ăn vào cao hơn đáng kể. Tỷ lệ sống cho thấy rằng cá khỏe mạnh và do đó chế độ ăn bổ sung không có ảnh hưởng có hại đối với cá. Ngoài ra, còn có hiệu quả tăng cường chiều dài/chiều rộng nhung mao của ruột cũng như tăng diện tích hấp thu. Một số báo cáo cũng chứng minh rằng chiết xuất từ thực vật/ thảo dược cải thiện đáng kể hình thái đường ruột cùng với mối quan hệ tích cực giữa hình thái ruột và hiệu suất tăng trưởng/sử dụng thức ăn.
Abidemi-Iromini và Kolawole (2019) cũng đã cho thấy tăng trưởng cá trê phi đạt cao nhất ở nồng độ bổ sung cỏ mui 1 g / kg trong vòng 56 ngày. Sau 8 tuần, trong khi chỉ số stress oxy hóa (MDA) giảm đáng kể thì chỉ số chống oxi hóa ( SOD, CAT và GPx) tăng lên đạt cao nhất được ghi nhận ở nghiệm thức cho ăn với khẩu phần 6 g / kg. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong sau khi cảm nhiễm với sán lá đơn chủ giảm đáng kể. Tỷ lệ tử vong thấp nhất (10,0%) đã được quan sát thấy ở chế độ bổ sung 6 g / kg trong khi tỷ lệ tử vong cao nhất (36,7%) được ghi nhận ở nhóm đối chứng.. Các chỉ tiêu huyết học (RBCs, Hb, Ht) tăng cao. Điều này cho thấy rằng chiết xuất lá cúc mui đã kích thích quá trình tạo máu, chất chống oxy hóa bảo vệ màng lipid của tế bào máu chống lại stress oxy hóa, sự phá hủy hồng cầu và tan máu giảm xuống mức thấp, cải thiện tăng trưởng và sức khỏe được nâng cao.
Nghiên cứu hiện tại cung cấp một triển vọng mới về việc sử dụng chiết xuất lá cúc mui như một chất bổ trợ không có hại cho cá rô phi để tăng cường sự phát triển, kích thích tiêu thụ thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng, các chỉ số chống oxy hóa và phản ứng miễn dịch. Quan trọng hơn, lá cúc mui trong chế độ ăn uống đã kích thích sức đề kháng của cá rô phi đối với lây nhiễm của ký sinh trùng sán lá đơn chủ D. vastator tối ưu ở mức 4 – 6g/kg thức ăn.
Báo cáo gốc: Dietary Tridax procumbens leaves extract stimulated growth, antioxidants, immunity, and resistance of Nile tilapia, Oreochromis niloticus, to monogenean parasitic infection Adeshina, I., Abdel-Tawwab, M., Tijjani, Z.A., Tiamiyu, L.O., Jahanbakhshi, A., 2021. Aquaculture 532, 736047.
Uyên Đào
Nguồn:Tepbac.com