Trong nuôi trồng thủy sản,độ pH có yếu tố quyết định sự cân bằng môi trường thích hợp cho tôm cá thích nghi và phát triển.Mỗi loài thủy sản đều thích nghi trong ngưỡng pH nhất định. Để điều chỉnh được yếu tố pH trong môi trường ao nuôi là yếu tố quan trọng đối với người chăn nuôi thủy sản.Sau đây bài viết này sẽ hướng dẫn mọi người các cách tăng và giảm độ pH trong môi trường nuôi trồng thủy sản.
pH là chỉ số đo đặc trưng về độ axit (chua) hoặc độ kiềm (chát) của nước. pH thấp chứa nhiều axit và pH cao chứa nhiều kiềm và pH = 7 được gọi là trung tính.
Trong vùng có pH rất cao hay rất thấp, các loại thuỷ động vật không sống được.
pH là một trong những nhân tố môi trường có ảnh hưởng rất lớn trực tiếp và gián tiếp đối với đời sống thủy sinh vật như: sinh trưởng, tỉ lệ sống, sinh sản và dinh dưỡng. pH thích hợp cho thủy sinh vật là 6,5 - 9. Khi pH môi trường quá cao hay quá thấp đều không thuận lợi cho quá trình phát triển của thủy sinh vật. Tác động chủ yếu của pH khi quá cao hay quá thấp là làm thay đổi độ thẩm thấu của màng tế bào dẫn đến làm rối loạn quá trình trao đổi muối - nước giữa cơ thể và môi trường ngoài. Do đó, pH là nhân tố quyết định giới hạn phân bố của các loài thủy sinh vật. pH có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của phôi, quá trình dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản của cá. Cá sống trong môi trường có pH thấp sẽ chậm phát dục, nếu pH quá thấp sẽ không đẻ hay đẻ rất ít.
Trong môi trường có nồng độ ion H+ cao, (Tức là khi pH thấp) khí hydro sunfua chủ yếu tồn tại ở dạng khí H2S, đây là dạng có độc tính cao. Do chúng không mang điện tích nên dễ dàng khuyết tán qua màng tế bào. Độc tính của khí H2S là ức chế quá trình phosphoryl hóa, ngăn cản quá trình tái oxy hóa của cytochrome a3 với oxy phân tử. Từ đó kìm hãm quá trình trao đổi chất của tế bào.
Trong môi trường có nồng độ H+ thấp (pH cao). Tổng đạm amon (TAN) tồn tồn tại chủ yếu ở dạng khí độc NH3. Đây là dạng khí rất có hại cho nuôi trồng thủy sản. NH3 làm ảnh hưởng đến quá trình bài tiết chất thải chứa nitơ, nó làm giảm khả năng khuyết tán của amoniac từ trong cơ thể ra ngoài. NH3 trong máu và các mô tăng làm pH máu tăng dẫn đến rối loạn những phản ứng xúc tác của emzim và độ bền vững của màng tế bào, làm thay đổi độ thẩm thấu của màng tế bào từ đó làm cá chết do không điều khiển được quá trình trao đổi muối giữa cơ thể và môi trường ngoài.
Do hoạt động quan hợp của thực vật thủy sinh và phiêu sinh thực vật nên pH sẽ thay đổi trong ngày. pH thấp nhất vào lúc bình minh (5-6h sáng) và tăng dần đạt đỉnh vào lúc 2-3 giờ chiều. Do đó cần kiểm tra pH hàng ngày để kịp thời điều chỉnh sao cho sự chênh lệch giữa sáng và chiều không quá lớn (Tối ưu không dao động quá 0,5 đơn vị). Ngoài ra mưa làm giảm pH, do đó cần kiểm tra các thông số trên sau mỗi cơn mưa.
Kiểm soát độ pH
Để đảm bảo pH trong giới hạn cho phép thì việc chọn đất, chuẩn bị ao nuôi lẫn việc quản lý ao đều rất quan trọng. pH dao động do nhiều yếu tố thời tiết, thổ nhưỡng, tảo và vi sinh vật. Ban ngày, tảo hấp thu CO2 để quang hợp nên pH tăng; ngược lại, về đêm quá trình quang hợp ngưng, quá trình hô hấp thải ra CO2nên pH giảm. pH thấp nhất lúc hừng đông, cao nhất vào lúc mặt trời lặn. Việc kiểm soát pH nên gắn liền với kiểm soát độ kiềm vì độ kiểm thể hiện khả năng đệm của nước, khi độ kiềm cao thì sự thay đổi pH giữa sáng và chiều thấp.
Cách hạ độ pH:
1) Dùng rơm rạ chừng 20 bó để diệt tảo (nên dự trử rơm rạ trong thời kỳ nuôi tôm).
2) Đánh 250kg Zeolite/ha để hạ phèn, diệt khuẩn xấu và khuẩn tốt (Phải tuân thủ theo bao bì mà thời gian phân huỹ là bao lâu trước khi đánh men vi sinh xuống, nếu đánh men vi sinh xuống trước thời gian Zeolite bị phân huỹ thì con men vi sinh cũng bị tiêu diệt luôn nên nhớ điều này), Zeolite hút khí độc, làm tăng oxy trong ao và cũng làm giảm độ PH
3) Đánh men vi sinh liều lượng gấp đôi, gấp ba để trừ khử Ammonia (ủ men trong cái khạp, cái lu, cái vò, cái ché).
Phải dùng 3 cái lu cho mỗi ao để ủ và nhân giống con men vi sinh với cấp số nhân, để khi có tai biến thì có con men vi sinh xử dụng ngay, dùng máy sục khí oxy của bồn cá cảnh để cung cấp khí oxy cho con men vi sinh, đồng thời phải cung cấp 1-2kg đường mía hoặc đường cát trắng cho con men vi sinh ăn.
4) Chạy quạt nước 24/24, phải cung cấp đủ khí oxy cho ao, mật độ thả thưa thì lượng oxy là 4ppm, nhưng mật độ thả dầy thì lượng oxy phải từ 6-8ppm.
5) Để giảm độ pH của nước thì dùng gỉ đường. Ngâm gỉ đường với men vi sinh rồi tạt khắp ao. Đường chuyển hóa thành CO2, làm giảm độ pH.
Cũng có thể dùng axit citric, pha với nước để tạt. Tuy nhiên, cần tính lượng axit vừa đủ. Để giảm pH từ 10 - 8 thì cần 1g axitcitric/1000 m3 (15 g/ha, nước sâu 1,5 m). Hoặc dùng giấm chua có chứa axit axetic (giấm để ăn, giấm Tây tốt hơn, loại nầy làm bằng nước trái cây như trái táo, người miền Nam gọi là trái Bom, người Mỹ gọi là Apple) 5 lít giấm cho 1 mẩu (ha), 1 lít giấm pha 20 lít nước rồi tạt (té) chung quanh mé bờ ao, cách 1 ngày làm 1 lần cho đến khi độ PH giảm mới thôi.
Ngoài ra ta cũng có thể dùng bột đậu nành để gây màu nước 50kg/ha lúc ban đầu cũng như 3kg/ha hằng tuần trong suốt mùa vụ.
Cách tăng độ pH
pH< 7 thường do xì phèn, mưa nhiều, tảo tàn và sự phân hủy cặn bã và thức ăn thừa hay cây lá. Amôniac giải phóng ra từ sự phân hủy thức ăn thừa, từ chất thải của con nuôi bị ôxy hóa thành nitrit và nitrat dẫn đến nước trở nên axit hơn, pH và độ kiềm đều giảm.
Thường xuyên hút chất thải, không để lá cây rơi xuống ao cũng là biện pháp ngăn chặn pH xuống thấp.
Cỏ Alfalfa hoặc rơm rạ và bột đậu nành phải đánh vào ao 1-2 tuần trước khi thả con giống, làm cách nầy sẽ tăng phân bón cho ao đồng thời cũng ổn định PH.
• Phải kiểm độ PH 2 lần/ngày (6giờ sáng và 2 giờ chiều) mỗi ngày trong suốt mùa vụ, nhất là buổi trưa vì độ PH thường tăng ở giờ cao điểm nầy và độ PH thích hợp là 7-8,5.
a) Khi độ PH cao hơn ngưỡng cửa 9.0 thì phải tìm cách hạ xuống, độ PH ở mực độ bình thường là 7-8.5 (Xem mục cách “HẠ ĐỘ PH” như đã nêu ở phần trên).
Ngoài ra còn có thể dùng 100 pounds(45kg) Sodium bicarbonate cho 1 Acre (tương đương 4000 mét vuông), hoặc đường (sugar) hoặc bánh làm bằng bắp (cracked corn) .
b) Khi độ PH thấp hơn ngưỡng cửa 6.5 thì phải tìm cách nâng lên, độ PH ở mực độ bình thường là 7-8.5.
Tăng pH bằng tạt bột đá cacbônat CaCO3, bột đá Dolomite CaMg(CO3)2. Bón bột đá vôi làm tăng đồng thời độ kiềm. Không nên dùng vôi Ca(OH)2 và CaO trong khi đang nuôi tôm cá vì chúng làm tăng pH rất mạnh đến mức có hại cho tôm cá.
Tuy nhiên, các các loại đá vôi trên rất khó tan, và tan rất chậm trong nước lợ và nước mặn, nên hiệu quả xử lý kém và chậm. Hơn nữa việc bón vôi chỉ có tác dụng khi độ kiềm dưới 50 mg/l . Khi độ kiềm tổng trên 50 mg/l hay khi pH > 8,3 thì việc thêm các bột đá trên sẽ không còn tác dụng vì chúng không tan nữa.
Vì các lý do kể trên, nên thay vì dùng vôi thì nên dùng NaHCO3 Hoặc Na2CO3(sođa) vì sôđa tan rất nhanh.
Ngoài ra còn có thể xử dụng NPK, DAP kết hợp với Ure, ngâm cho tan hết rồi té khắp ao, liều lượng là: 3kg-NPK + 3kg-DAP + 2kg-Urê cho 1 hecta.
Tham khảo:Boyd, C.E. (1990). Water Quality in Ponds for Aquaculture. Birmingham Publishing Company, Birmingham, Alabama.
Quản lý chất lượng nước trong nuôi cá nước ngọt – Đại học Cần Thơ – NXB Nông Nghiệp.
Quản lý chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản – Đại học cần thơ (Bộ môn Khai thác và Nuôi trồng thủy sản)