Nấm Thủy Mi nhiễm trên trứng cá tra

Cá tra là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao và được nuôi phổ biến ở thủy vực nước ngọt ĐBSCL.


Nghề nuôi cá tra thâm canh đã và đang phát triển theo hướng bền vững, nuôi thân thiện với môi trường, nuôi có trách nhiệm và nuôi có truy xuất nguồn gốc, chính những điều này đòi hỏi về chất lượng cá tra giống ngày càng được quan tâm và được kiểm soát chặt chẽ. Trong sản xuất giống cá tra thường có sự xuất hiện của mầm bệnh nấm thủy mi gây ảnh hưởng đến tỉ lệ nở và chất lượng cá tra bột.

Trong bản tin kỹ thuật này, xin được chia sẻ một số thông tin liên quan đến nấm thủy mi nhiễm trên trứng cá tra trong quá trình sản xuất giống nhằm giúp cho quí độc giả quan tâm có thêm thông tin hữu ích về lĩnh vực này.

Dấu hiệu nhận biết khi trứng cá tra bị nhiễm nấm thủy mi

Trứng cá nhiễm nấm thủy mi có các sợi nấm chằng chịt, màu trắng hoặc hơi xám bao quanh bề mặt vỏ trứng. Khi quan sát bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận thấy các sợi nấm thủy mi ký sinh có màu trắng trông giống như các sợi bông gòn bao quanh bên ngoài trứng cá tra.

Hình dạng nấm thủy mi Saprolegnia sp. dưới kính hiển vi

Phân lập và định danh nấm

Trong nghiên cứu này, kết quả phân lập trên mẫu bệnh phẩm của trứng cá tra và cá tra bột đã xác định được 105 chủng nấm thủy mi, trong đó có 20 chủng trên cá tra bột và 85 chủng trên trứng cá thuộc hai giống nấm thủy mi là Achlya và Saprolegnia.

Sợi nấm Achlya phát triển nhanh trên môi trường GYA với khuẩn lạc tròn có màu trắng hơi vàng, sợi nấm có vách ngăn ngang, nấm Achlya sinh sản vô tính bằng động bào tử sau 18-20 giờ. Các động bào tử được sinh ra và tập trung tại cuống động bào tử trước khi bơi tự do ngoài môi trường nước nuôi cấy (Hình 2, trái). Sợi nấm Saprolegniaphát triển nhanh trên môi trường GYA với khuẩn lạc tròn như những sợi bông gòn trắng nhô lên khỏi bề mặt môi trường, sợi nấm có vách ngăn ngang và phát triển nhanh đầy bề mặt đĩa môi trường nuôi sau 2 ngày nuôi cấy, nấm Saprolegnia sinh sản vô tính bằng động bào tử sau 18-20 giờ. Các động bào tử được sinh ra tại cuống động bào tử và bơi tự do ngoài môi trường nước nuôi cấy.

Cá bị nhiễm nấm thủy mi Saprolegnia sp.

Yếu tố nguy cơ gây ra bệnh

Trong sản xuất giống cá da trơn khả năng nhiễm nấm thủy mi rất dễ xảy ra vì mật độ trứng ấp cao, điều kiện nhiệt độ phù hợp và đặc biệt tỉ lệ thụ tinh của trứng thấp là những yếu tố làm tăng khả năng nhiễm nấm thủy mi gây ảnh hưởng tỉ lệ nở và chất lượng cá tra bột.

Phương pháp phòng và trị bệnh

Phòng mầm bệnh nấm thủy mi: xây dựng và thiết kế hệ thống trại sản xuất giống phù hợp; Chuẩn bị và vệ sinh bể ấp trứng thật sạch bằng cách khử trùng dụng cụ và bể bằng chlorine hoặc formol; Xử lý nước kỹ bằng một số hóa chất diệt khuẩn và vi nấm; Đảm bảo chất lượng trứng cá và tinh trùng tốt giúp nâng cao tỉ lệ thụ tinh.

Trị bệnh khi nhiễm nấm thủy mi: có thể sử dụng một số hóa chất khử nấm thủy mi sau đây như formol, oxy già, hoặc những sản phẩm có hoạt chất bronopol và cách thức sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất để xử lý.

Nguồn tin: Ts. Phạm Minh Đức và Ks. Lê Đức Anh, Khoa Thủy Sản - Đại Học Cần Thơ. Công ty UV Vietnam.

Chí Thiệt

Bằng những kiến thức đã học hỏi được từ những bậc thầy và các bác nông dân kinh nghiệm.Tôi luôn quyết tâm mang đến cho mọi người một kho tàng kiến thức về nghành nuôi trồng thủy sản

Mới hơn Cũ hơn

post-ads1