Muối trong nuôi trồng thủy sản

Muối NaCl có nhiều công dụng trong nuôi trồng thủy sản như hạn chế một số động vật kí sinh, giảm thiểu rối loạn điều hòa áp suất thẩm thấu.


Muối là gì?

Muối là tên gọi cho các ion hoặc các thành phần khoáng có trong môi trường nước. Muối tồn tại ở mọi môi trường nước trừ nước cất hay nước lọc. Các muối khoáng có vai trò sinh lí rất quan trọng đối với cá vì vậy cá không thể sống trong môi trường nước không có muối khoáng.

Môi trường nước biển tích hợp rất nhiều loại muối, nhưng chiếm ưu thế là muối NaCl. Động vật biển chỉ có thể sống tốt trong môi trường có các vi chất giống hệt nước biển tự nhiên. Một số sản phẩm chứa đầy đủ các vi chất này đang có bán trên thị trường. Muối biển không thật sự cần thiết cho sự sống của cá nước ngọt nhưng có thể được dùng để xử lí cá trong một số trường hợp.

Nồng độ muối

Ảnh hưởng của muối đối với cá được xác định bởi nồng độ muối và thời gian tiếp xúc. Muối chiếm 3% khối lượng nước biển, tương đương với 30 ‰ (ppt) hay 30000 ppm. Một vài loài kí sinh cảm nhiễm trên cá nước ngọt bị loại trừ hiệu quả khi ngâm cá trong nước mặn từ 30 giây đến 10 phút tùy theo loài. Nước mặn 0.5 – 1% có thể được dùng để tắm cho cá trong vài giờ để diệt kí sinh trùng nước ngọt. Nồng độ 0.1 – 0.3% có thể thúc đẩy việc tạo chất nhầy và điều hòa áp suất thẩm thấu ở cá nước ngọt trong quá trình nhốt giữ và vận chuyển. Xử lí bằng nước có độ mặn rất thấp, tính bằng ppm có thể xử lí bệnh máu nâu ở một vài loài cá nước ngọt.

Hiệu quả diệt kí sinh trùng của muối

Nếu dùng với một lượng hợp lí, muối có tác dụng tiêu diệt các nguyên sinh động vật trên mang và da cá, nếu dùng muối với nồng độ quá thấp sẽ không mang lại hiệu quả. Thời gian và nồng độ xử lí phải phù hợp.

Ngâm cá trong nước có độ mặn 3% giúp loại bỏ nguyên sinh động vật trên da, mang và vảy đồng thời tăng cường sản xuất chất nhờn. Tùy thuộc vào từng loài mà có thể tắm cá trong nước mặn 3% từ 30 giây đến 10 phút. Thông thường, thời gian tắm kéo dài cho đến khi cá mất thăng bằng, ngửa mình thì nhanh chóng vớt cá cho vào nước ngọt sạch. Vì một số loài cá không thể thích ứng tốt với nước mặn, nên cần kiểm tra sinh học (kiểm tra nồng độ phù hợp) trước khi xử lí cá với số lượng lớn. Hiệu quả tương tự cũng thu được khi xử lí cá biển bằng nước ngọt. Thời gian xử lí cá biển không nên vượt quá 10 phút.

Nếu ngâm nước mặn không khả thi, cá nước ngọt có thể tắm bằng nước lợ (độ mặn 1%) từ 30phút đến vài giờ. Việc tắm nước lợ cũng mang lại tác dụng tương tự với ngâm nước mặn, nó còn giúp cá phục hồi các vết thương trên da.

Nước có độ mặn thấp 0.01 – 0.2% có thể được dùng để xử lí thường xuyên trong hệ thống nuôi tuần hoàn. Ở độ mặn này có thể loại trừ được các nguyên sinh động vật đơn bào.

Vai trò của muối trong nhốt giữ và vận chuyển cá

Cá nước ngọt trong quá trình nhốt giữ và vận chuyển làm cá phải tiêu hao nhiều năng lượng cho điều hòa áp suất thẩm thấu, để khắc phục vấn đề trên, người ta thường bổ sung muối vào nước vận chuyển. Trong điều kiện vận chuyển, cá nước ngọt có xu hướng thu nhận nước vào cơ thể do sự thẩm thấu của nước qua mang vào máu. Để giữ cân bằng, cá phải bơm nước ngược lại qua mang. Tăng nồng độ muối trong nước suốt quá trình vận chuyển lên 0.1 – 0.3% sẽ hạn chế quá trình này và giảm tiêu hao năng lượng, điều hòa áp suất thẩm thấu.

Khi chuyển cá nước ngọt từ nơi này đến nơi khác, ví dụ như từ ao nuôi đến một bể chứa có mái che, nên thêm muối vào nước trong bể chứa bằng cách: cho một ít nước vào bể, bổ sung muối tạo độ mặn 3%, thả cá vào bể rồi thêm nước đầy bể. Sự tiếp xúc nhanh với nước có độ mặn cao sẽ tạo nên hiệu quả chống kí sinh trùng, và nhốt cá trong nước có độ mặn thấp hơn sẽ điều hòa áp suất thẩm thấu, tăng tiết dịch nhầy bảo vệ da.

Tác dụng của muối trong phòng ngừa và điều trị bệnh máu nâu ở cá

Cá nước ngọt, đặc biệt là nhóm cá nheo (da trơn) rất dễ mắc bệnh máu nâu gây ra bởi sự tích lũy quá mức NO2 trong môi trường. Trong hệ thống nuôi nước ngọt, độc tính nitrit có liên quan trực tiếp đến nồng độ Cl- vì 2 phân tử NO2- và Cl- cạnh tranh nhau thâm nhập qua mang vào trong máu cá. Khi hàm lượng Cl- trong nước tăng, khả năng nitrit nhiễm vào máu cá giảm. Vì vậy việc đo nồng độ Cl- trong nước nên được tiến hành thay vì sử dụng tỉ tọng kế hoặc khúc xạ kế để đo độ mặn.

Nồng độ Chloride tối thiểu để ngăn chặn độc tính của nitrit trong ao nuôi cá nheo là 20ppm. Đối với những ao có nồng độ Cl- thấp hơn, cần bổ sung muối để đạt được nồng độ thích hợp. Để tăng lên 1 ppm Chloride cho mỗi 1000 m3 cần thêm khoảng 1.656 kg muối.

Các bước thực hiện như sau:

-B1: Đo nồng độ chloride trong ao. Nếu [Cl-] <20 ppm thì :

-B2: Tính toán nồng độ muối cần thêm vào

20 – [Cl-]kiểm tra = [Cl-]cần thêm

-B3: Đo thể tích của ao nuôi bằng m3

-B4: Để tăng lên 1 ppm Cl- cho 1000 m3 nước cần thêm 1.656 kg muối.

Muối còn có tác dụng giảm thiểu tỉ lệ chết và giúp cá dễ phục hồi khi mắc phải bệnh máu nâu. Để kiềm hãm độc tính gây bệnh máu nâu của 1 ppm nitrit cần 6 ppm chloride. Và tương tự như bài toán trên, người nuôi cũng cần tính toán nồng độ Chloride cần bổ sung và thêm 1.656 kg muối/1000m3 để tăng lên 1 ppm Cl-.

Các bước thực hiện:

-B1: Đo nồng độ nitrit trong ao [NO­2-].

-B2: Đo nồng độ Chloride trong ao [Cl-].

-B3: Tính toán nồng độ [Cl-] cần thêm vào theo tỉ lệ 1[NO­2-] : 6[Cl-].

6×[NO­2-] - [Cl-] = [Cl-]cân thêm

-B4: Đo thể tích của ao nuôi bằng m3

-B5: Thêm 1.656 kg muối/1000m3 để tăng lên 1 ppm Cl-.

Kết luận

Muối có rất nhiều công dụng trong nuôi trồng thủy sản bao gồm xử lí kí sinh trùng, điều hòa áp suất thẩm thấu, tăng tiết dịch nhờn bảo vệ da và hỗ trợ điều trị bệnh máu nâu ở cá nước ngọt. Hơn nữa, muối còn là một nguồn dễ kiếm, giá rẻ và sử dụng đúng cách sẽ cho hiệu quả an toàn trên cá nước ngọt. Cần lưu ý nồng độ muối và thời gian xử lí phải phù hợp với mục đích sử dụng và khả năng thích ứng của từng loài cá.

Nguồn: VIBO
Chí Thiệt

Bằng những kiến thức đã học hỏi được từ những bậc thầy và các bác nông dân kinh nghiệm.Tôi luôn quyết tâm mang đến cho mọi người một kho tàng kiến thức về nghành nuôi trồng thủy sản

Mới hơn Cũ hơn

post-ads1