Ảnh hưởng của các hợp chất đồng (Cu) lên tôm thẻ chân trắng

Nghiên cứu cho thấy bổ sung đồng sulfate (CuSO4) và đồng hydroxychloride Cu2(OH)3Cl vào thức ăn có tác dụng tích cực, tuy nhiên khả năng chuyển hóa của hai hợp chất này khác nhau trên tôm.

Ảnh hưởng của các hợp chất đồng (Cu) lên tôm thẻ chân trắng. Hình minh họa: Huỳnh Như


Giới thiệu

Đồng (Cu) có vai trò quan trọng đối với động vật, các enzyme liên kết với đồng có liên quan đến nhiều quá trình sinh hóa của động vật. Ngoài ra, ở nhóm giáp xác đồng giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình vận chuyển oxy trong máu.

Đối với tôm, đồng có vai trò quan trọng trong quá trình lột xác, sinh lý và sinh sản. Tôm không thể hấp thu đồng trực tiếp từ nước mà cần phải bổ sung vào thức ăn. Bổ sung đồng từ nhiều nguồn khác nhau ảnh hưởng đến hiệu quả hấp thu, vận chuyển và chuyển hóa đồng ở tôm và cá. Bổ sung đồng vào thức ăn còn ảnh hưởng đến thành phần vi sinh vật trong đường ruột của tôm, nó ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, khả năng hấp thụ dinh dưỡng và tăng trưởng của tôm.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của việc bổ sung các hợp chất đồng với hàm lượng khác nhau đến tăng trưởng và sức khỏe tôm thẻ chân trắng.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện trên tôm thẻ chân trắng có trọng lượng ban đầu trung bình 0,3 g/con. Tôm được cho ăn thức ăn có bổ sung CuSO4 chứa 25,5% đồng và Cu2(OH)3Cl chứa 58,8% đồng với hàm lượng khác nhau. Nghiên cứu được tiến hành trong 42 ngày.

Công thức thức ăn cho tôm dùng trong nghiên cứu này dựa theo nghiên cứu trước đây của Davis và ctv. (1993). Thức ăn được bổ sung mỗi loại hợp chất đồng với hàm lượng lần lượt là 30, 90, 150 và 210 mg/kg thức ăn.

Các chỉ tiêu tăng trưởng, hàm lượng đồng trong cơ, thành phần vi sinh vật trong đường ruột và phân tôm đối với từng loại khẩu phần ăn được phân tích và so sánh hiệu quả.

Kết quả nghiên cứu

- Kết quả phân tích sau khi kết thúc thí nghiệm cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa (P>0,05) giữa các nghiệm thức và loại hợp chất đồng đối với các chỉ tiêu: tổng sinh khối cuối cùng (53,20-64,40 g), trọng lượng trung bình cuối (4,34-4,87), tăng trọng (1349-1544%), hệ số chuyển đổi thức ăn FCR (1,61-1,82), tỷ lệ sống (81,3-96,0%) và hệ số tăng trưởng nhiệt (0,082-0,087) của tôm.

- Hàm lượng đồng trong phần vỏ đầu ngực (carapace), gan tụy và toàn bộ cơ thể tôm gia tăng có ý nghĩa (P<0,05) tương ứng với sự gia tăng hàm lượng đồng trong khẩu phần ăn. Hàm lượng đồng trong gan tụy và cơ thể tôm ăn Cu2(OH)3Cl thấp hơn so với tôm ăn CuSO4.

- Không có sự khác biệt có ý nghĩa (P>0,05) về hàm lượng đồng trong máu của tôm ở tất cả các nghiệm thức và ở cả hai nguồn hợp chất đồng.

- Sự đa dạng về giống loài của quần thể vi sinh vật trong ruột và phân tôm phụ thuộc vào hàm lượng đồng bổ sung vào thức ăn và loại hợp chất đồng. Kết quả ghi nhận xu hướng giảm sự đa dạng của các loài vi khuẩn thuộc giống Vibrio như V. harveyi, V. sinaloensis và V. orientalis khi tăng hàm lượng đồng trong thức ăn.

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy bổ sung các hợp chất đồng trong khẩu phần ăn có tác động tích cực đến tăng trưởng, khả năng đề kháng bệnh và sức khỏe của tôm.

Nguồn:Tepbac.com
Chí Thiệt

Bằng những kiến thức đã học hỏi được từ những bậc thầy và các bác nông dân kinh nghiệm.Tôi luôn quyết tâm mang đến cho mọi người một kho tàng kiến thức về nghành nuôi trồng thủy sản

Mới hơn Cũ hơn

post-ads1